Trung học phổ thông Bảo Lộc
CHUYÊN MỤC GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT BẢO LỘC
Tấm gương nhà giáo tiên tiến điển hình: một chút hương đời cho em

[Đăng lúc:7/7/2017 12:00:00 AM]

         Tôi không dự định viết một câu chuyện nhưng trong bài viết này, tôi xin lồng những cảm nhận và suy nghĩ của mình về đời nhà giáo, những cống hiến thầm lặng từ tình yêu nghề nghiệp của một giáo viên ở đơn vị mà tôi công tác – một bông hoa phụ trách giảng dạy môn Địa lí của trường THPT Bảo Lộc, cô Bùi Thị Liễu , là người cô, người đồng nghiệp, là tấm gương tiên tiến điển hình trong tập thể sư phạm dấu yêu !

            Khi còn là một cô bé học phổ thông, tôi đã yêu mến những bài giảng của cô về Địa lí nước nhà, những khám phá thú vị về bản đồ của các nước trên thế giới, hoặc ngỡ ngàng nhận thức  được các yếu tố về khí hậu, tự nhiên và xã hội về các châu lục mà con người đang sinh sống… Trong giờ giảng, khi thấy học sinh hứng thú lắng nghe, chịu khó tìm hiểu bài dạy của mình qua ánh mắt chăm chú và những cánh tay giơ thật cao trong lúc phát biểu xây dựng bài, tôi cảm nhận được cô rất vui với nụ cười luôn nở trên môi.  Đã bao năm rồi, từ một cô bé học sinh phổ thông ngày nào, tôi đã được tiếp nối nghề dạy học của cô khoảng mười bảy năm. Thời gian thoáng đưa như  thoi nhưng trông cô vẫn trẻ trung như ngày nào, từ giọng nói, ánh mắt, lời giảng đến sự chỉ bảo tận tình cho thế hệ sau. Trong con mắt của đồng nghiệp trẻ như chúng tôi, cô rất duyên dáng (ve ngoại hình cho đến tính cách). Thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, nụ cười luôn thường trực trên môi. Đặc biệt, với tính cách dễ gần và sự cởi mở, cô thường tạo sự thân thiện cho người đối diện khi trò chuyện. Cô đã dành trọn cả cuộc đời của mình gắn bó với nghề dạy học.  Đó phải chăng là cái duyên với nghiệp gõ đầu trẻ! Cô Bùi Thị Liễu sinh ngày 24/12/1962, quê quán tại Quảng Trị. Cô tham gia dạy học từ ngày 1/ 9/1986 và gắn bó với vùng cao nguyên Bảo lộc đã bao năm rồi !

            Vừa là giáo viên, vừa là tổ trưởng của bộ môn Địa Lí – Sử – Công dân, nên trong cuộc sống hằng ngày, cô rất gương mẫu, luôn chấp hành tốt những chủ trương, đường lối  chính sách của Đảng và cấp trên đề ra. Cô vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn là một tổ trưởng chuyên môn có năng lực và đầy trách nhiệm. Cô đã có nhiều thành tích trong công cuộc đóng góp xây dựng trường như tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, viết giải pháp hữu ích, luôn có những góp ý và hỗ trợ công tác viết giải pháp hữu ích của giáo viên trong tổ tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Năm nào cũng thế, cô cùng đoàn trường tổ chức cho học sinh tham quan học tập, trải nghiệm sáng tạo tại  các địa danh trong nước. Dù lớn tuổi nhưng trong các hoạt động văn nghệ của tổ hay trường, cô đều tham gia rất nhiệt tình. Các danh hiệu thi đua mà cô đạt được là từ Năm học 2007 – 2012 được giấy khen công đoàn viên xuất sắc năm năm liền của công đoàn.  Năm học  2010 – 2011 được giấy khen theo quyết định số 933/ QĐ – SGDĐT ngày 26/8/2011. Từ năm 2014 – 2015 được bằng khen theo quyết định số 1117/QĐ/UBND tháng 4/2015. Nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.  Và năm học 2015 -2016, cô được tuyên dương nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục lần thứ nhất…

             Là một giáo viên dạy Địa lí, nhưng cô cũng am hiểu lĩnh vực Văn học và  Lịch sư, Sinh học rất nhiều. Để có sự liên thông kiến thức ấy, cô thường xuyên tham khảo và cập nhật sách báo lẫn công nghệ thông tin, một công việc mà đôi lúc các bạn trẻ chưa chắc đã làm được, hay có làm được thì cũng lười biếng và chủ quan vì nghỉ là mình giỏi rồi. Cô luôn quan niệm “ Ngọc không mài không sáng”. Trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ dạy, cô luôn hăng hái tham gia giảng dạy giáo án điện tử , đổi mới phương pháp dạy học để hưởng ứng phong trào. Thỉnh thoảng, cô lại cùng giáo viên dạy Ngữ Văn bàn về từ ngữ, vấn đề, một ý nghĩa nào đó trong một bài văn hay tác phẩm cô mới biết. Và từ cô, đôi lúc, tôi  được học hỏi và ôn lại những kiến thức thật thú vị, chính xác đối với bộ môn Địa lí.

              Ơ các hoạt động của trường như hoạt động ngoại khóa, phong trào văn nghệ, các cuộc thi do bộ, ngành tổ chức, những thắc mắc đối với nghề nghiệp, hầu như đều có những lời tư vấn nhiệt tình của cô giúp cho công việc trôi chảy hơn. Cô truyền tải hết những gì mình hiểu biết thông qua lời nói và hành động cụ thể. Tôi đã từng chứng kiến cô dành thời gian quý báu của mình để giúp đỡ đồng nghiệp trẻ lựa chọn từng bộ trang phục, dạy cho từng cử chỉ, bước đi để cô giáo trẻ ấy đi thi trong hội thi giáo viên tài năng, duyên dáng và đạt được kết quả tốt đẹp. Không chỉ  thế,  đối với mọi người, cô luôn hòa đồng, cởi mở và luôn tận tình chỉ bảo cho những đồng nghiệp trẻ mới chập chững bước vào nghề. Theo quan sát của tôi,  ngoài những giáo viên cũ công tác lâu năm trong nghề thì những giáo viên mới về trường lúc nào cũng được cô chỉ bảo tận tình. Bất cứ gia đình giáo viên nào gặp chuyện buồn, cô đều hỏi thăm và chia sẻ. Trong những buổi tiệc vui như cưới hỏi, cô chưa bao giờ vắng mặt. Ơ địa phương, gia đình cô luôn được bằng khen gia đình văn hóa. Cách sống thân thiện ấy, tôi nghĩ mọi người nên học tập.

                Khoảng vài năm trở lại đây, tình trạng học sinh không thích học bộ môn xã hội, đặc biệt là bộ môn Địa mà tập trung  nhiều vào các môn tự nhiên, gây ra tình trạng học lệch. Trên nhan nhản các bài báo hay trong các chương trình thời sự luôn đăng các tin, theo thống kê của thi tốt nghiệp và đại học, bộ môn Địa rất ít bạn đăng kí thi. Nỗi lo ấy không dành cho những người nghiên cứu Địa lí mà còn lan sang cả giáo viên dạy Địa, trong đó có cô. Với cương vị là tổ trưởng bộ môn dạy Địa, tôi biết cô trăn trở nhiều, luôn tìm và thiết kế những bài giảng hay để cuốn hút học sinh. Đặc biệt, năm nay với đề thi mới theo hướng trắc nghiệm, cô vẫn lo âu, tìm mọi cách để có thể giảng dạy và truyền đạt những kiến thức cho trò một cách hiệu quả nhất. Cô từng tâm sự với tôi rằng : Tục ngữ từng có câu “Cha muốn cho con hay, thầy mong cho trò khá”, ở bất cứ nơi nào, niềm hy vọng, lòng kiên trì và sự tin tưởng vào tương lai luôn là những đức tính quý báu để mọi người vượt lên khó khăn. Những lời động viên, khuyến khích học trò tìm hiểu bộ môn Địa đã tác động phần nào đến học sinh trường tôi, những câu trả lời đố vui luôn được các em hưởng ứng dưới sự khéo léo, chỉ dắt của cô.

             Thời gian nghỉ hưu của cô sắp đến (khoảng năm học sau), trường và tổ Địa lí  lại khuyết đi một bông hoa đỏ thắm, một giáo viên  luôn nâng cao nhiệm vụ, trách nhiệm  hay nói cách khác là luôn tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân với  ý thức chính  là luôn nâng cao trách nhiệm, hoàn thành  tốt công việc được giao. Học sinh nhớ đến cô nhiều lắm, nhớ những lời truyện trò, chỉ bảo trong giờ học. Đồng nghiệp sẽ nhớ tới một người chị, một người cô luôn tận tâm chỉ bảo, nhớ những bài phát biểu, cuộc thi do cô phát động, tổ chức… Và rất nhớ nụ cười gần gũi, thân thiện của cô Liễu. Đối với tôi, cô còn trẻ lắm, lòng tận tụy của cô đối với trường, lớp khó ai thấy hết được vì những cống hiến của cô quá thầm lặng theo năm tháng. Tôi chỉ mong ước, khi vào độ tuổi của cô, mình cũng nhiệt tình và tận tụy không kém.

             Bài viết của tôi được góp nhặt từ chuyện có thật của một giáo viên trong trường. Không cần gì phải gần đây, do hưởng ứng các phong trào thi đua mà cô mới làm tốt công việc, mà cả cuộc đời, cô dồn tình yêu thương học trò vào trang giáo án, mang tất cả nhiệt huyết của mình xây dựng trường lớp và quan trọng hơn hết là luôn giữ vững tinh thần, trách nhiệm với nghề mà mình đã chọn. Cô thật xứng đáng là một tấm gương sáng. Nhìn cô, tôi lại nghĩ đến câu hát : “ Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân”. Một chút hương đời xin gửi lại cho những thế hệ tiếp nối – cho tôi, cho đàn em, cho học trò THPT Bảo Lộc!

              Cảm xúc về một giáo viên điển hình của trường THPT Bảo Lộc.

                                                                               GV. LÊ THỊ THÙY TRANG

Trường THPT Bảo Lộc

Bài viết liên quan
TIN MỚI NHẤT
© 2024 Trường THPT Bảo Lộc Lâm Đồng
Địa chỉ: 101 Lê Hồng Phong - Phường 1 - Tp.Bảo Lộc - Lâm Đồng; Điện thoại: 063 3864300