Trung học phổ thông Bảo Lộc
CHUYÊN MỤC TIN TỨC
NHIỀU HOẠT ĐỘNG PHONG PHÚ TẠI TRƯỜNG THPT BẢO LỘC CHÀO MỪNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM LẦN THỨ 3 NĂM 2024

[Đăng lúc:4/16/2024 9:46:03 PM]

     "Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều” (Louisa May Alcott). Sách là kho tàng tri thức vô cùng quý giá của nhân loại, là nguồn kiến thức vô tận và không bao giờ cạn kiệt. Đọc sách không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn để hoàn thiện nhân cách, phát triển con người. Nhằm mục đích chia sẻ với các em học sinh về những tác dụng tuyệt vời của việc đọc sách và cách để đọc sách hiệu quả, qua đó phần nào khơi dậy trong các em niềm đam mê và tình yêu với việc đọc sách, thư viện Trường THPT Bảo Lộc không ngừng nỗ lực với nhiều hình thức tổ chức, nhiều hoạt động thiết thực khiến sách dần trở thành người bạn gần gũi, thân thiết với em học sinh.

     Thực hiện Kế hoạch số 140/KH-THPTBL ngày 9/04/2024 về Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong trường học lần thứ ba năm 2024. Với chủ đề: “: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”, sáng ngày 15/4/2024, Trường THPT Bảo Lộc phối hợp với Tổ Ngữ văn-Địa lý, thư viện và Đoàn trường đã phát động Tuần lễ hưởng ứng Ngày sách Việt Nam và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa.

     Mục đích của các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường. Tiếp tục xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập suốt đời của cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh trong toàn trường; huy động sự tham gia của học sinh, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, CMHS, cộng đồng dân cư và mọi nguồn lực xã hội trong việc đầu tư phát triển văn hóa đọc; xây dựng không gian văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho nhiều đối tượng bạn đọc; giúp các em học sinh hình thành khả năng thuyết trình, khả năng diễn đạt và thu hút người nghe, cùng với đó lan tỏa ý nghĩa của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam hàng năm.

     Chuỗi hoạt động phong phú, thú vị đã và đang được tổ chức trong tuần lễ này đó là thi “Kể chuyện và làm theo sách” với thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc” nhằm xây dựng thói quen đọc cho học sinh; thi tìm hiểu về sách, thi làm clip giới thiệu sách hay; thi xếp sách nghệ thuật; mời các nhà văn, nhà thơ yêu sách để giới thiệu về sách, nói chuyện về sách. Song song với hoạt động này, Câu lạc bộ Mỹ Thuật của trường cũng tổ chức trang trí “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”, “Tủ sách yêu thương”, các “khu vực đọc sách thân thiện”.

     Tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao qua phần kể của các bạn lớp 11A9

     Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 27/4/2024, thư viện nhà trường cũng phát động quyên góp, vận động ủng hộ sách cũ (sách tham khảo các bộ môn, sách tài liệu, sách giải trí, truyện tranh, …) còn dùng được và các ấn phẩm sách phù hợp với lứa tuổi học sinh với phương châm: “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”.

     Ấn tượng sâu đậm của Buổi lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm nay là phần kể chuyện theo sách của 03 chi đoàn ngay trên sân khấu. Chi đoàn 11A9 với  phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đã khiến người xem cùng cười, cùng khóc với biết bao suy nghĩ, trăn trở về số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại mà vẫn không nguôi tắt khát vọng làm người lương thiện. Từ trang sách biết bao cuộc đời đã mở ra, từ cuộc sống biết bao con người bước vào trang sách. Văn học là cuộc đời, văn học soi bóng thời đại mà nó ra đời.

     Tiếp theo là tác phẩm “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” của nữ liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã để lại nhiều xúc động cho cả quý thầy cô và các bạn học sinh trong trường:

     “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

     Những tuổi 20 làm sao không tiếc

     Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 còn chi Tổ quốc”

     Chia sẻ về tác phẩm em Nguyễn Bảo Ngân lớp 11A1 thổ lộ: Dù chưa bao giờ được gặp mặt chị, nhưng những dòng tâm sự, những câu chuyện chị sẻ chia trong cuốn nhật ký hằng đêm chị viết, đã làm nghẹn ngào và rung động hàng triệu trái tim… Quyển nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng chị, mà nó còn là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam. Ở đó có giấc mơ hòa bình đã cháy bỏng trong lòng 30 triệu người Việt Nam.. có những lời hứa bằng đau thương xé ruột, bằng căm thù bầm gan, và bằng cả những lời thương nhớ không bao giờ phai nhạt…

     Tác phẩm “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” của nữ liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua phần kể của các bạn 11A1

     Thông điệp mà phần kể chuyện theo sách của các em học sinh 11A1 muốn gửi đến đó là: Tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã góp phần tô điểm thêm dấu son chói lọi và truyền thống người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ngày mai đây, thời gian sẽ trôi theo cùng năm tháng, nhưng những gì các anh, các chị đã chiến đấu vào sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn sẽ luôn được nhắc đến mỗi ngày trong những bài giảng trên lớp, trên những con phố,... qua những hương thơm của nén nhang ngày lễ, qua hình ảnh, sách báo, truyền hình. Bởi vì chiến công của các anh, các chị là bất diệt... mãi mãi. Chúng ta được sống trong thời đại hòa bình như hôm nay, thì cuốn nhật ký như 1 lời nhắc nhở phải sống sao cho thật xứng đáng vì sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Thời gian qua đi, quá khứ thuộc về lịch sử. Chúng ta tha thứ. Nhưng không được phép quên!

     Sức sống lâu bền của sách là trong lòng độc giả. Sức sống lâu bền của sách còn ở những bài học về lẽ sống, cách đối nhân xử thế mà người đọc áp dụng vào cuốn sách cuộc đời. Sau đây là truyện “Mắt biếc” qua lời kể của chi đoàn 10A9. Một tác phẩm nhẹ nhàng, dung dị, đời thường, đưa ta làm một cuộc viễn du đến những miền quê tươi đẹp, thanh bình của Tổ Quốc để ta biết tự hào và yêu hơn non sông đất nước mình. Và hãy dành một chút để chiêm nghiệm bài học từ tác phẩm: Trên đời này, có hai thứ nhất định không được bỏ lỡ: một là chuyến xe cuối cùng và hai là người thật lòng yêu thương mình.

     Tác phẩm “Mắt biếc” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh qua lời kể của chi đoàn 10A9

     Với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa hi vọng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm nay thực sự là cơ hội cho các em học sinh được bộc lộ tình yêu đối với những cuốn sách, đồng thời các em còn truyền cảm hứng và niềm đam mê đó tới các bạn bè của mình. Đó cũng là động lực mạnh mẽ để thư viện nhà trường tiếp tục với những dự án mới, tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa đọc một cách sâu rộng hơn nữa trong nhà trường.

     Phút giây lắng đọng của toàn trường trong phần kể chuyện của lớp 11A1

 

     BGH nhà trường, Thư viện, các thầy, cô trong tổ Ngữ văn – Địa lý cùng các diễn viên tham gia cuộc thi “Kể chuyện theo sách”

(Trường THPT Bảo Lộc)

Trường THPT Bảo Lộc

Bài viết liên quan
TIN MỚI NHẤT
© 2024 Trường THPT Bảo Lộc Lâm Đồng
Địa chỉ: 101 Lê Hồng Phong - Phường 1 - Tp.Bảo Lộc - Lâm Đồng; Điện thoại: 063 3864300