Trung học phổ thông Bảo Lộc
THAM LUẬN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

[Đăng lúc:10/31/2020 7:49:22 PM]

                       THAM LUẬN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Để phát triển phẩm chất và năng lực của người học một cách hiệu quả, tối ưu thì người giáo viên (GV) ở các trường Trung học phải không ngừng học tập, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, chủ động tìm ra phương pháp dạy học (PPDH) hiệu quả nhất có thể đáp ứng lại tinh thần chung của nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh đổi mới PPDH thì đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS) là một hoạt động rất quan trọng trong quá trình giáo dục. Đánh giá kết quả học tập của HS là một quá trình không thể tách rời trong quá trình dạy học và có thể nói thông qua kiểm tra đánh giá (KTĐG) sẽ tạo động lực thúc đẩy đổi mới PPDH, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học,… Nếu thực hiện được việc KTĐG hướng vào đánh giá quá trình học tập giúp phát triển năng lực người học, thì lúc đó quá trình dạy học sẽ trở nên tích cực hơn. Vì vậy, việc đổi mới KTĐG kết quả học tập của HS là một vấn đề cần thiết và không thể thiếu được của đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Thông qua việc đổi mới PPDH sẽ thúc đẩy việc đổi mới KTĐG theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều theo phương pháp truyền thống. GV làm trung tâm sang cách dạy lấy HS làm trung tâm hay còn được gọi là dạy và học tích cực. Trong cách dạy này HS là chủ thể hoạt động, GV là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới PPDH và đổi mới KTĐG có vai trò rất to lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, là cơ sở để điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học và quản lý giáo dục. Vì vậy, đổi mới PPDH và KTĐG trở thành nhu cầu bức xúc, cần thiết của ngành giáo dục và toàn xã hội ngày nay. Qua nhiều năm công tác, chúng tôi đã tìm hiểu, tổng kết một số hình thức “Đổi mới PPDH và KTĐG” nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học một cách tích cực, hiệu quả nhất nói chung, của môn vật lý THPT nói riêng.

II. THỰC TRẠNG

  1. Thuận lợi

Đông đảo GV có nhận thức đúng đắn về đồi mới PPDH. Nhiều giáo viên đã xác định rõ sự cần thiết và có mong muốn thực hiện đổi mới đồng bộ PPDH và KTĐG.Một số GV đã vận dụng được các PPDH, KTĐG tích cực trong dạy học; kĩ năng sử dụng các thiết bị dạy học hiện đại và ứng dụng CNTT vào việc tổ chức hoạt động dạy học một cách hiệu quả; vận dụng được quy trình KTĐG theo hướng phát triển mới.

       2.Hạn chế 

a. Về PPDH : Hoạt động đổi mới PPDH ở trường THPT chưa mang lại hiệu quả cao. Truyền thụ tri thức một chiều vẫn còn là PPDH chủ đạo của nhiều GV. Số GV thường xuyên chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp các PPDH cũng như sử dụng các PPDH phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của HS còn chưa nhiều. Trong quá trình dạy học còn nặng về truyền thụ lý thuyết, việc rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết vấn đề thực tiễn cho HS thông qua khả năng vận dụng tri thức tổng hợp chưa thật sự được quan tâm. Việc ứng dụng CNTT, sử dụng phương tiện dạy học chưa thực sự rộng rãi và hiệu quả ở các trường THPT.

b. Về KTĐG : Hoạt động KTĐG chưa đảm bảo yêu cầu khách quan, chính xác, công bằng; việc kiểm tra đánh giá chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức và đánh giá qua điểm số đã dẫn đến tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều theo lối “đọc – chép” thuần túy. HS học tập thiên về ghi nhớ, ít quan tâm vận dụng kiến thức. Quy trình biên soạn đề KTĐG còn mạng nặng tính chủ quan của người dạy. Hoạt động KTĐG, hoạt động trên lớp còn chưa được quan tâm thực hiện một cách khoa học và hiệu quả. Nhiều HS còn thụ động trong việc học tập, khả năng sáng tạo và vận dụng tri thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn của HS còn hạn chế.

       

3. Nguyên nhân

Năng lực của đội ngũ GV về vận dụng các PPDH tích cực, sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT phục vụ công tác giảng dạy còn hạn chế. Lý luận về PPDH và KTĐG chưa được nghiên cứu nhiều và việc vận dụng lí luận vào thực tiễn chưa thực sự hiệu quả, các hình thức tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục còn mang đậm tính bảo thủ. Chỉ chú trọng đến đánh giá cuối kì, chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học, giáo dục. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho hoạt động đổi mới PPDH và KTĐG ở trường THPT chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.

III. GIẢI PHÁP

1. Đổi mới PPDH theo hướng phát triển năng lực học sinh

1.1. Những chú ý cần quan tâm trong việc phát triển năng lực HS: Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học(sử dụng SGK, tìm kiếm thông tin, ghi chép, …), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của HS. GV có thể lựa chọn các phương pháp chung hoặc các phương pháp đặc thù của mộn học để thực hiện. Tuy nhiên cần phải đảm bảo nguyên tắc “ GV là người hướng dẫn, HS là người tự tìm ra tri thức”. Tùy theo nội dung bài học, đối tượng và điều kiện cụ thể ở từng đơn vị mà GV linh hoạt các hình thức học tập: cá nhân, nhóm, thực hành, viết báo cáo, … để có thể giúp HS được vận dụng kiến thức vào thực tiễn, qua đó nâng cao hứng thú học tập. Cần sử dụng hiệu quả các ĐDDH đối với đặc thù môn học, sử dụng có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong dạy học.

1.2. Cải tiến PPDH và kết hợp đa dạng các PPDH:PPDH truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, vấn đáp, … là các PPDH quan trọng. Đổi mới PPDH không có nghĩa là loại bỏ những PPDH truyền thống mà chúng ta cần phải cải tiến thế nào để nâng cao hơn hiệu quả các PPDH đó. Cụ thể GV có thế áp dụng các PPDH truyền thống và hiện đại song song để hỗ trợ nhau trong dạy học để có thể phát huy tính tích cực của HS. Vd: Thay vì mô tả một hiện tượng vật lí thì ta có thể kết hợp ứng dụng CNTT cho HS quan sát hiện tượng một cách trực quan. Thực tế không có một PPDH nào lúc nào cũng là tối ưu phù hợp cho tất cả các nội dung, mục tiêu bài học. Vì mỗi PPDH có những ưu điểm và nhược điểm riêng, do đó GV cần phải biết vận dụng phối hợp nhuần nhuyễn các PPDH trong tiến trình dạy học để các PPDH hỗ trợ nhau giúp cho người học có cảm giác không bị nhàm chán mà học tập một cách chủ động, tích cực trong quá trình tiếp thu kiến thức.

1.3. Vận dụng PPDH giải quyết vấn đề: Ở PPDH giải quyết vấn đề nhằm mục tiêu phát triển khả năng tư duy, khả năng nhận biết các tình huống có vấn đề và tự bản thân giải quyết các tình huống đó. Tình huống có vấn đề thường là những tình huống chứa đựng các mâu thuẫn trong nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề giúp HS tự mình lĩnh hội tri thức, qua đó phát huy tính tích cực nhận thức của HS. PPDH này thường được GV sử dụng giảng dạy trong phần đặt vấn đề ở môn Vật lí và trong các nội dung chuyển ý giữa các nội dung bài học nhằm kích thích óc tìm tòi, tư duy, suy nghĩ về vấn đề mới ở HS.

1.4. Vận dụng PPDH đóng vai (PPDH theo tình huống): Đóng vai, là PPDH tổ chức cho HS thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định, gắn liền với thực tiễn đời sống và nghề nghiệp. Thông qua việc đóng vai sẽ tạo điều kiện cho HS kiến tạo tri thức theo cá nhân trong mối tương tác giữa kiến thức và thực tiễn. Ngoài ra có thể rèn luyện cho HS những kĩ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trước khi thực hành trong thực tiễn. Trong PPDH này có thể HS phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến nhiều môn học hoặc nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau gắn liền với thực tiễn đời sống hằng ngày. Tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của HS đây cũng là PPDH quan trọng gắn liền việc dạy học trong nhà trường với thực tiễn đời sống.

1.5. Vận dụng PPDH định hướng hành động: Là PPDH làm cho hoạt động trí óc và tay chân kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập HS thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm hành động, có sự kết hợp linh hoạt giữa các hoạt động trí tuệ và hoạt động tay chân. Việc vận dụng PPDH này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kết hợp lý thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội. Đối với bộ môn Vật lí THPT thì PPDH này thường được GV sử dụng trong những tiết thí nghiệm thực hành.

1.6. Sử dụng ĐDDH và ứng dụng CNTT trong dạy học: ĐDDH có vai trò quan trọng trong việc đổi mới PPDH, thông qua việc sử dụng các ĐDDH sẽ làm tăng cường tính trực quan trong dạy. Việc sử dụng ĐDDH có tác dụng tránh được tình trạng dạy “chay”, dạy “ suông” dẫn đến hiệu quả tiết dạy thấp. Thông qua việc sử dụng các ĐDDH sẽ giúp các em sẽ nắm chắc kiến thức, rèn luyện được kĩ năng, kĩ xảo, tính thận trọng, chính xác, sự kiên trì, óc sáng tạo... HS thấy hứng thú hơn trong học tập. Ứng dụng CNTT trong dạy học đang là xu thế học tập ngày nay, là phương tiện dạy học trong dạy học hiện đại. Bên cạnh sử dụng các ĐDDH trực quan thì ứng dụng CNTT sử dụng các phần mềm bỗ trợ trong dạy học sẽ giúp HS hứng thú, tích cực hơn trong học tập.

Nhớ lại thời gian khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học phải tạm nghỉ, GV dạy học online. Tuy giáo viên gặp một số khó khăn nhưng việc chuẩn bị bài giảng online sẽ có lợi cho học sinh so với việc giảng dạy truyền thống.Giáo viên chuẩn bị bài giảng mỗi lần livestream khá chuẩn và kỹ nên học sinh có thể linh động trong việc tiếp thu bài giảng. Học sinh có thể học bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, học sinh có thể điều chỉnh dừng lại, nghiền ngẫm bài giảng, khi nào hiểu lại tiếp tục học. Còn bạn nào học tốt thì có thể tua nhanh bài giảng, học sinh có tâm lý thích thú vì mới lạ và được sử dụng các thiết bị công nghệ, đồng thời tạo cảm giác thoải mái. Các Thầy Cô liên tục nhận được tin của các em với nội dung như: “Bao giờ có video mới hả thầy? Khi nào thì Cô up bài giảng mới, lâu quá”. Các em đón nhận chứng tỏ là GV đã thành công một phần, dù rằng nên có những thay đổi nhỏ như chia số lượng tham gia lớp học một cách hợp lý, chia đối tượng dựa vào trình độ của từng em để việc giảng dạy hiệu quả hơn.

Theo các Thầy Cô tổ Lý-CN dù việc dạy học online xuất phát từ việc bùng phát dịch Covid -19 nhưng về lâu dài xu thế dạy học online nên được khuyến khích để các thầy cô có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.

1.7. Sử dụng các kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo: Kĩ thuật dạy học là cách thức hành động của GV và HS trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Có những kĩ thuật dạy học chung, có những kĩ thuật dạy học riêng đặc thù của từng môn học. Nhưng GV sử dụng các kĩ thuật dạy học đều hướng tới việc phát huy tích tích cực của HS trong học tập. Ngày nay các kĩ thuật dạy học được chú trọng như: trò chơi học tập, sử dụng sơ đồ tư duy, dạy học theo trạm, dạy học theo chủ đề, …

2. Đổi mới kiểm tra đánh giá

2.1. Định hướng đổi mới kiểm tra đánh giá: Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập và xử lí thông tin về trình độ, khả năng thực hiện mục tiêu học tập của HS, nhằm tạo cơ sở cho những điều chỉnh sư phạm của GV, các giải pháp của các cấp quản lí giáo dục và cho bản thân HS, để HS học tập đạt kết quả tốt hơn. Đánh giá kết quả học tập của HS cần sử dụng phối hợp nhiều công cụ, phương pháp và hình thức khác nhau (đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình, bài viết, bài trình chiếu, video clip, …) về kết quả thực hiện nhiêm vụ học tập. GV có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành. Xu hướng đổi mới KTĐG kết quả học tập của HS tập trung vào các hướng sau:

- Chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối môn học sang sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì.

- Chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học. Nghĩa là chuyển đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu, … sang đánh giá năng lực vận dụng, năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn.

- Chuyển từ đánh giá là một hoạt động độc lập với các quá trình dạy học sang việc tích hợp dánh giá vào quá trình dạy học, xem đánh giá như là một PPDH.

- Tăng cường ứng dụng CNTT trong KTĐG, sử dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ thẩm định các đặc tính đo lường của công cụ (độ tin cậy, độ khó, độ phân biệt, độ giá trị) và sử dụng các mô hình thống kê vào xử lí phân tích, lí giải kết quả đánh giá.

2.2. Việc làm cần thiết trong việc đổi mới KTĐG: Dựa vào chuẩn kiến thức kĩ năng (theo hướng tiếp cận năng lực) từng môn học, từng lớp học, từng cấp học. Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì(giữa kì và cuối kì), giữa đánh giá của GV và đánh giá của HS, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng theo thông tư ngày 26 tháng 8 năm 2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học phổ thông . Kết hợp giữa hình thức đánh giá trắc nghiệm khác quan và tự luận. Tiến hành đánh giá kết quả học tập của HS theo ba công đoạn cơ bản: thu thập thông tin, phân tích và xử lí thông tin, xác nhận và ra quyết định điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học. Trong đánh giá thành tích học tập của HS không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập. Không chú trọng nhiều vào khả năng tái hiện tri thức mà phải chú trọng vào khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các vấn đề phực hợp. Cần phối hợp nhuần nhuyễn các hình thức, phương pháp KTĐG khác nhau. Kết hợp giữa kiểm tra miệng, kiểm tra viết và bài tập thực hành. Trong KTĐG nên chú trọng đánh giá cả một tiến trình dạy học thông qua các hệ thống câu hỏi, GV có thể rèn luyện cho HS khả năng tự đánh giá bản thân, đánh giá lẫn nhau giữa các nhóm. Phải đánh giá được các năng lực khác nhau của HS, đảm bảo tính khách quan, đảm bảo sự công bằng, đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo tính công khai, đảm bảo tính giáo dục, đảm bảo tính phát triển.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Khi thực hiện một số biện pháp trên tôi rút ra được một số bài học:

- Tạo cho HS có thái độ tích cực hơn trong học tập môn Vật lí, HS hứng thú, tích cực hơn, tạo điều kiện cho HS phát huy tính tư duy và sáng tạo.

- Giúp các em dễ dàng nắm vững các kiến thức của bài học để có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống.

- Giúp các em rèn luyện đượcc kĩ năng thuyết trình, có được những suy luận, lập luận, sự tự tin khi phát biểu trước đám đông.

- Đánh giá được thực lực của HS, để từ đó có hướng giảng dạy phù hợp với từng đối tượng

V. KIẾN NGHỊ

- Thường xuyên mở các hội nghị chuyên đề về phương pháp giảng dạy môn Vật lý để các giáo viên được giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

- Đồ dùng thí nghiệm cần có sự chính xác cao.

- Nghiên cứu lại số lượng HS trên lớp học để có thể áp dụng đổi mới PPDH một cách hiệu quả.

 

Trên đây là tham luận về dạy học phát triển năng lực học sinh của tổ Vật Lý –Công nghệ, rất mong được sự đóng góp ý kiến của các quý vị đại biểu, của các thầy cô giáo để bản tham luận được hoàn thiện hơn nữa. Cuối cùng tôi xin chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trường THPT Bảo Lộc

Bài viết liên quan
TIN MỚI NHẤT
© 2024 Trường THPT Bảo Lộc Lâm Đồng
Địa chỉ: 101 Lê Hồng Phong - Phường 1 - Tp.Bảo Lộc - Lâm Đồng; Điện thoại: 063 3864300